CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
CHI ĐOÀN 11A1_1213: Bạo lực học đường: Bệnh không thuốc chữa?

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Bạo lực học đường: Bệnh không thuốc chữa?


Bạo lực học đường: Bệnh không thuốc chữa?

Gần đây trên các trang mạng xã hội, báo chí lại liên tục xuất hiện những clip học sinh "xử" nhau trước cổng nhà trường.

Điều đáng nói là trong khi hành động này đang bị xã hội lên án và ngăn chặn thì những sự việc như trên như thách thức dư luận và gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra theo xu hướng ngày càng trầm trọng.

Không riêng của ngành giáo dục
Vấn nạn bạo lực học đường trong nhà trường đã được cảnh báo từ rất lâu. Chỉ đến khi những video clip được tung lên mạng mà đối tượng của bạo lực học đường là những nữ sinh thì vấn đề này mới được đem ra phân tích, mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau. Một nhà tâm lý đã phát biểu trên báo chí rằng giới trẻ bây giờ dường như không có được một phần nhỏ sự kiên nhẫn để nói chuyện bằng miệng mà thay vào đó là dùng tay, chân. Từ những sự việc trên dư luận đang nghi ngại có phải giáo dục đạo đức nhân cách, lối sống cho người trẻ đang tụt dốc?
Một điều khác nữa là các vụ bạo lực học đường thường xảy ra tại các thành phố, thị xã lớn nhiều hơn ở nông thôn,vùng sâu vùng xa. Hơn nữa những clip được phát tán trên mạng gần đây đối tượng của bạo lực học đường lại là nữ sinh. Không chỉ đánh bạn dã man, vô cảm, làm nhục mà còn phát ngôn rất thô tục, chợ búa. Một sự thật khó lý giải ở môi trường kinh tế, văn hóa, giáo dục đều phát triển toàn diện và nhanh chóng như thế.
Chỉ cần vào trang tìm kiếm về bạo lực học đường có thể dễ dàng thấy được hàng trăm ngàn kết quả. Trong đó có cả những vụ việc nghiêm trọng xảy ra hơn chục năm về trước. Xã hội đang đổ lên đầu ngành giáo dục, học sinh hư là do thầy cô giáo, học sinh đánh nhau người ta lại gọi tên nhà trường.
Ở nước ta xưa nay vẫn tự phong cho nhà trường một nhiệm vụ cao cả là giáo dục ra những con người hoàn hảo, toàn diện. Song trên thực tế, mặc dù nhà trường là một môi trường giáo dục nhưng không phải tất cả cái tốt đẹp của con người đều được đem ra từ nhà trường. Song song, với bạo lực giữa học sinh với nhau là một điều đau lòng hơn nữa là học sinh "xử" thầy cô giáo và thầy cô giáo hành hung học sinh. Phải chăng, ngành giáo dục cũng đang là nạn nhân của bạo lực học đường?.

Nhức nhối bạo lực học đường 
Đặc biệt, ngành giáo dục cũng đang phải gánh chịu hậu quả của những giáo trình giảng dạy cũ kỹ không trọng tâm. Đánh giá đạo đức học sinh có phần nhẹ tay, xử lý không nghiêm túc, à ơi với những vụ việc bạo lực gần đây đã gây ra tình trạng lờn thuốc đối với một bộ phận giới trẻ lười tu dưỡng.
Giáo dục đạo đức, cách sống cho giới trẻ đang bị coi nhẹ có một phần lỗi lớn từ gia đình. Gánh nặng của nền kinh tế thị trường đang cuốn nhiều bậc phụ huynh thiếu quan tâm giáo dục con cái, chăm sóc gia đình về mặt tinh thần. Mặt khác lại đáp ứng quá lớn thậm chí là thừa thãi về mặt vật chất khi con cái còn quá nhỏ. Nhiều phụ huynh thậm chí còn tiếp tay cho con cái hư hỏng khi chỉ đóng vai trò là những cái "máy rút tiền".
Các cơ quan hữu quan dường như phản ứng quá chậm với vấn nạn này. Mặc dù bạo lực học đường là cụm từ được nhấn mạnh và nhắc đến không ít trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng những đơn vị có trách nhiệm chưa hề có động thái nào đáng chú ý để hạn chế tình hình. Bàn thảo trong hội nghị thì chỉ có nhà quản lý nghe còn vận dụng thực tế vào môi trường học đường thì lại quá khiêm tốn. Tuyên truyền, hưởng ứng, vận động theo lối mòn rõ ràng chỉ là hình thức "ném đá ao bèo" mà thôi.
Làm gì với bạo lực học đường?
Sau nhiều vụ phát tán clip nam, nữ sinh đánh nhau lên mạng ngành giáo dục đã nhận ra được lỗ hổng trong cách uốn nắn đạo đức cho học sinh. Trở lại với những vụ "xử" nhau ở chốn học đường, chúng ta lại thấy sự thiếu sót và yếu kém trong việc xử lý và đối phó với bạo lực. Điều dễ nhận thấy nhất là sự loay hoay trong việc đưa ra hình thức xử phạt. Đánh nhau, hành hung cộng thêm việc sỉ nhục, lăng mạ người người khác tùy theo mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự việc này đã được chuyển lại về phía nhà trường để xử lý theo nội quy của trường với nhiều vụ việc nghiêm trọng nên thiếu tính chất răn đe. Bởi, mức độ xử lý vi phạm theo nội quy của nhà trường cao nhất là đình chỉ học. Trong khi đó, những đối tượng của bạo lực học đường đa số là thích đua đòi, chơi bời, thể hiện chứ hoàn toàn không thích cắp sách đến trường.
Hơn nữa, sau khi đình chỉ học nhiều học sinh không thay đổi được gì, gia đình càng buông lỏng quản lý dẫn đến hư hỏng thêm. Vô hình chung, việc làm đó đã hất nguồn tội phạm ra đường, trở thành gánh nặng, nguy cơ không nhỏ cho xã hội. Nên chăng, chúng ta cần có một tổ chức hoạt động riêng nằm trong nhà trường và những hình thức xử phạt riêng thỏa đáng hơn, có sức răn đe và giáo dục hơn là cho…nghỉ học?
Việc đánh giá đạo đức học sinh trong nhà trường cần làm nghiêm túc, chặt chẽ. "Người có tài mà không có đức thì vô dụng", giáo dục đang ra sức luyện tài mà quên rèn đức cho học sinh đó là một sai lầm lớn. Sẽ thật không chấp nhận được khi một học sinh được công nhận là học sinh khá, giỏi khi bên ngoài vẫn đánh bạn, cãi cô và hành xử kiểu giang hồ.
Gần đây, một vấn đề khác cũng được khép vào bạo lực chốn học đường là giáo viên đánh chửi, hành hung học sinh cũng đáng phải bàn."Trên bất chính, hạ tắc loạn" nhưng người đứng trên giảng đường còn văng tục, chửi thề còn đánh học sinh đến thâm tím mặt mày thì quả là khó lấy được lòng tin trong sự giáo dục. Vẫn là cách bào chữa quen thuộc là "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng trên thực tế, đó chỉ là một con sâu hay không thì khó có câu trả lời thỏa đáng.
Bệnh thành tích trong giáo dục khiến các nhà trường vẫn che giấu các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường để xử lý nội bộ, để tránh tiếng xấu cho nhà trường, điều đó là không nên. Bên cạnh đó, để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự chung tay của các cá nhân, tổ chức Đoàn, Đội, hội phụ huynh học sinh…Đánh bạn rồi tung lên mạng theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, viện xã hội học bình luận: "Đây là một hành vi quá trớn nhằm gây sự chú ý với cộng đồng. Bản thân những học sinh đó cũng chỉ nghĩ rằng hành động đó của mình sẽ gây ra sự chú ý, để thể hiện mình chứ không hề quan tâm đến hậu quả. Để tỏ cái "uy" và chỗ đứng trong suy nghĩ non nớt của giới trẻ". Như thế chúng ta thấy rằng việc định hướng lối sống, giáo dục nhân cách cho giới trẻ cần phải kịp thời, trọng tâm, đúng mục đích.
Thái độ thờ ơ, vô cảm của người xung quanh cũng gián tiếp làm bạo lực học đường gia tăng. Can thiệp ngăn chặn bạo lực học đường là việc cần làm của toàn xã hội chứ không riêng cá nhân hay tổ chức nào, cũng không thể "trăm dâu" đổ đầu ngành giáo dục. Sự thờ ơ đồng thời cũng là liều thuốc kích thích cho mầm mống của bạo lực sinh sôi, nảy nở ở bất kỳ đâu.
Biên Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BACK TO TOP